Trận chiến ngoài khơi Samar (25 tháng 10) Trận_chiến_vịnh_Leyte

Sơ đồ trận chiến ngoài khơi Samar.

Mở đầu

Quyết định của Halsey tung toàn lực lượng của Đệ Tam hạm đội lên phía Bắc để tấn công các tàu sân bay Nhật thuộc "Lực lượng phía Bắc" của Ozawa đã bỏ trống eo biển San Bernardino hoàn toàn không được bảo vệ.

Các sĩ quan cao cấp của Đệ Thất hạm đội (kể cả Kinkaid và ban tham mưu của ông) đều tin rằng Halsey chỉ mang theo ba đội đặc nhiệm tàu sân bay nhanh cùng với mình lên phía Bắc (đội đặc nhiệm của McCain, lực lượng mạnh nhất trong Đệ Tam hạm đội, vẫn đang trên đường quay lại từ hướng Ulithi) nhưng để lại các thiết giáp hạm thuộc Lực lượng Đặc nhiệm 34 canh phòng eo biển San Bernardino chống lại "Lực lượng Trung tâm" Nhật Bản. Trong thực tế, Halsey chưa từng thành lập Lực lượng Đặc nhiệm 34, và cả sáu chiếc thiết giáp hạm của Willis Lee đều đang trên đường hướng lên phía Bắc cùng với các tàu sân bay, cũng như là tất cả các tàu tuần dương và tàu khu trục của Đệ Tam hạm đội.

Vì vậy, "Lực lượng Trung tâm" của Kurita đã vượt qua khỏi eo biển San Bernardino Strait mà không bị kháng cự vào lúc 03 giờ 00 phút ngày 25 tháng 10 và di chuyển về phía Nam dọc theo bờ biển phía Đông đảo Samar. Đường đi của chúng chỉ được phòng thủ bởi ba Đơn vị Đặc nhiệm tàu sân bay hộ tống của Đệ Thất hạm đội dưới tên các gọi 'Taffy' 1, 2 và 3, gồm tổng cộng mười sáu tàu sân bay hộ tống nhỏ, chậm chạp và vỏ giáp rất yếu; cùng lực lượng hộ tống yếu kém gồm những tàu khu trục nhỏ hỏa lực yếu không có vỏ giáp và các tàu khu trục hộ tống nhỏ hơn nữa. Cho dù đã phải chịu đựng những thiệt hại do các hoạt động tại eo biển Palawan và biển Sibuyan, "Lực lượng Trung tâm" Nhật Bản vẫn còn rất mạnh, bao gồm bốn thiết giáp hạm (kể cả chiếc Yamato khổng lồ), sáu tàu tuần dương hạng nặng, hai tàu tuần dương hạng nhẹ và khoảng một tá tàu khu trục. Ngoại trừ Lực lượng Đặc nhiệm 38, đây có thể là lực lượng hải quân mạnh mẽ nhất hành tinh vào lúc đó, cho dù có thể sánh được một cách tương đương với lực lượng yểm trợ hỏa lực do Đô đốc Oldendorf chỉ huy thuộc Đệ Thất hạm đội. Chỉ tính riêng Yamato, thiết giáp hạm lớn nhất và mạnh nhất, có lượng rẽ nước bằng tất cả các tàu chiến của Taffy 3 cộng lại.

Trận chiến

Lúc 6 giờ 27 sáng, khi đoàn tàu đang ở phía Đông bờ biển đảo Samar, thiếu úy quan trắc viên Shiego Hirayama đứng trên đài quan sát nhìn về phía trước và đếm được 4 cột tàu cao và theo lối kiến trúc thì đó là tàu sân bay Mĩ. Kurita gởi một bản vô tuyến điện về Bộ tư lệnh hạm đội Liên hợp: "Nhờ trời giúp chúng tôi có cơ hội để tiến công hạm đội Mĩ. Đánh tàu sân bay trước và tiêu diệt hạm đội còn lại sau". Trước mặt họ là một phân đội gồm 6 tàu sân bay hộ tống loại nhỏ (mỗi chiếc có 28 máy bay) và 7 khu trục hạm, do chuẩn đô đốc Clifton Sprague chỉ huy, thuộc hạm đội thứ 7 Hoa Kỳ đang làm nhiệm vụ yểm trợ cho đoàn tàu đổ bộ Mĩ ở vịnh Leyte.

Lực lượng của Kurita đã bắt được Đơn vị Đặc nhiệm 77.4.3 ('Taffy 3') của Chuẩn Đô đốc Clifton Sprague một cách hoàn toàn bất ngờ. Sprague chỉ đạo các tàu sân bay của mình tung máy bay ra, rồi ẩn núp vào một đám mưa giông ở phía Đông. Ông cũng ra lệnh cho các tàu khu trục và khu trục hộ tống tạo một bức màn khói để che khuất các tàu sân bay đang rút lui.

Do không nhận thức được rằng miếng mồi nhữ của Ozawa đã thành công, Kurita cho rằng mình vừa tìm thấy một đội tàu sân bay thuộc Đệ Tam hạm đội của Halsey. Vừa mới sắp xếp những tàu chiến của mình trong đội hình chống không kích, Kurita khiến cho tình hình trở nên lộn xộn khi ra lệnh "Tổng tấn công", có nghĩa là chia tách hạm đội của ông thành các đơn vị khác nhau và tấn công độc lập.[8]

Đúng 6 giờ 58, hải pháo của chiếc Yamato khai hỏa, bắn ra những trái đạn 3.220 cân Anh (khoảng 1.600 kg). Kurita ra lệnh "tổng tấn công", mọi tàu Nhật đổ xô vào đối thủ.

Tàu khu trục Johnston lúc đó đang ở gần đối phương nhất. Với sáng kiến của riêng mình, chỉ huy con tàu Trung tá Hải quân Ernest E. Evans lái con tàu hoàn toàn vô vọng của mình hướng thẳng vào đối thủ hết tốc độ lườn.[9] Chiếc Johnston phóng ra một chùm ngư lôi, 2 trái trúng tuần dương hạm Kumano, nhưng chiếc Johnston trúng đạn pháo 1,6 tấn và thương nặng.

Thấy vậy, Sprague ra mệnh lệnh "small boys attack", tung toàn bộ phần còn lại của lực lượng tàu hộ tống của Taffy 3 vào cuộc xung đột. Hai tàu khu trục còn lại của Taffy 3, HoelHeermann, và tàu khu trục hộ tống Samuel B. Roberts đã tấn công với chủ định tự sát, thu hút về phía mình hỏa lực của đối phương và phá vỡ đội hình tàu chiến Nhật khi chúng phải chuyển hướng để tránh những quả ngư lôi. Khu trục hạm Hoel nhắm vào chiếc Haguro phóng một loạt ngư lôi nhưng sau đó bị đạn hải pháo trúng buồng máy. Khu trục hạm Harmann cũng nhắm vào chiếc Haguro, phóng một loạt ngư lôi nhưng chiếc này tránh được. Chiếc Hoel thì bị tuần dương hạm nặng Kongo cố tình đụng trúng và chìm.

Trong khi đó, Thomas Sprague ra lệnh cho tất cả sáu chiếc tàu sân bay hộ tống của ba đơn vị đặc nhiệm Taffy tung toàn bộ máy bay với bất kỳ vũ khí nào đang có, ngay cả khi chúng chỉ có súng máy hay mìn sâu chống tàu ngầm. Ông có tổng cộng khoảng 450 máy bay dưới quyền, đa số là máy bay tiêm kích FM-2 Wildcat và máy bay ném bom ngư lôi TBM Avenger. Cuộc không kích phản công hầu như tiếp diễn không ngừng nghỉ, và một số đợt không kích, đặc biệt là do Đơn vị Đặc nhiệm 77.4.2 ('Taffy 2') của Đô đốc Stump tung ra khá mãnh liệt.

Những chiếc tàu sân bay của Taffy 3 quay về hướng Nam và rút lui trong màn đạn pháo. Tàu sân bay Gambier Bay ở về phía cuối đội hình và tụt lại. Một trái rơi xuống xuyên thủng boong tàu, nổ ở buồng máy chiếc Gambier Bay, khiến chiếc này bị loại khỏi vòng chiến và chìm lúc 8 giờ 45 phút. Hầu hết các tàu sân bay khác đều bị hư hại.

Đô đốc Kurita rút lui

Sự kháng cự quyết liệt của Mỹ đã xác nhận suy đoán của phía Nhật rằng họ đang phải đương đầu với một hạm đội chủ lực chứ không phải là những tàu sân bay hộ tống và tàu khu trục. Việc lộn xộn sau khi ra lệnh "Tổng tấn công" còn nghiêm trọng hơn do các cuộc phản công bằng máy bay và ngư lôi, và soái hạm Yamato của Kurita bị buộc phải quay mũi về hướng Bắc để tránh các quả ngư lôi nên bản thân Kurita không thể bắt nhịp với diễn tiến trận đánh. Kurita bất ngờ tách ra khỏi trận đánh và ra lệnh: "mọi con tàu, theo tôi về hướng Bắc, tốc độ 20", rõ ràng để nhằm tập hợp lại hạm đội mất trật tự của mình.

Sau khi quay đầu xuống phía Nam hướng về phía vịnh Leyte một lần nữa, báo cáo tác chiến của Kurita cho biết ông nhận được một bức điện sai lầm thông báo một nhóm tàu sân bay Mỹ đang hướng lên phía Bắc nhắm vào ông. Ý muốn đưa lực lượng của mình đối đầu những tàu chiến chủ lực hơn là lực lượng vận tải, Kurita tung lực lượng ra truy đuổi, và do đó đã lỡ mất cơ hội tiêu diệt những tàu bè đổ bộ trong vịnh Leyte.

Kurita còn chịu ảnh hưởng do ông không biết rằng Ozawa đã lôi kéo được Halsey tách xa khỏi vịnh Leyte; ông vẫn tin là mình đang đối đầu các đơn vị của Đệ Tam hạm đội, và đó chỉ là vấn đề thời gian trước khi Halsey bao vây và tiêu diệt ông.[8] Chuẩn Đô đốc Clifton Sprague đã viết cho bạn đồng nghiệp Aubrey Fitch sau chiến tranh: "Tôi... khẳng định [với Đô đốc Nimitz] rằng lý do chính mà họ đã quay mũi về hướng Bắc là họ đã chịu nhiều thiệt hại đến mức có thể tiếp tục, và tôi vẫn giữ quan điểm này. Sự phân tích sau này sẽ xác nhận điều đó."[6]

Sau khi cân nhắc kĩ lưỡng, lúc 12 giờ 35 phút Kurita hạ lệnh cho đoàn chiến hạm của ông quay về phía Bắc để tìm diệt các tàu sân bay Mĩ.

Phó đô đốc Kurita đã tính sai. Theo đuổi mục tiêu đó, Kurita đã bỏ lỡ cơ hội có thể lọt vào vịnh Leyte. Lực lượng Đột kích của Kurita có thể tiêu diệt xong đoàn tàu đổ bộ Mĩ trong vịnh rồi mới phải quay ra đối phó với hạm đội thứ 7 Hoa Kỳ. Vả lại hạm đội này cũng không quá mạnh: trong số 6 thiết giáp hạm của Oldendorf thì 5 chiếc là những tàu cũ từng bị đánh đắm hoặc bị trọng thương ở Trân Châu Cảng, mới được trục vớt lên và sửa chữa lại. Người Nhật sẽ tiếc nuối khi biết rằng đoàn tàu đổ bộ Mĩ ở vịnh Leyte lúc bấy giờ vẫn chưa chuyển hết số vũ khí quân trang lên bờ. Trong số đó có 23 tàu đổ bộ LST chở xe tăng, 28 tàu vận tải cỡ 22.000 tấn chở các vỉ sắt lót đường băng và các vật liệu khác để lập sân bay dã chiến. Nếu số tàu này bị đánh chìm thì - như tướng Douglas MacArthur đã thừa nhận - đạo quân Mĩ đã đổ bộ sẽ "bị đặt vào tình thế nguy hiểm".

Sau khi thất bại trong việc đánh chặn những chiếc tàu sân bay không thực sự hiện hữu, cuối cùng Kurita rút lui về hướng eo biển San Bernardino. Ba tàu tuần dương hạng nặng của ông đã bị đánh chìm, và sự kháng cự kiên quyết của Mỹ đã khiến ông cảm thấy tiếp tục tấn công chỉ đem lại thêm nhiều thiệt hại cho phía Nhật.

Hầu hết lực lượng còn sống sót của Kurita đã rút lui thành công. Halsey và các thiết giáp hạm của Đệ Tam hạm đội đã quay về quá trễ để có thể chặn được chúng. Các thiết giáp hạm Nagato, Haruna và Kongō bị hư hỏng nặng bởi ngư lôi của lực lượng hộ tống của Taffy 3. Kurita đã bắt đầu trận chiến với năm thiết giáp hạm, nhưng trên đường quay trở về chỉ có Yamato còn khả năng chiến đấu đầy đủ.

USS St. Lo nổ tung sau khi bị máy bay kamikaze tấn công.

Khi các hoạt động tác chiến liều lĩnh trên mặt biển đi vào giai đoạn kết thúc, Phó Đô đốc Takijirō Ōnishi đưa 'Lực lượng Tấn công Đặc biệt' vào hoạt động, tung các đợt không kích kamikaze vào các tàu bè Đồng Minh trong vịnh Leyte và các đơn vị tàu sân bay hộ tống ngoài khơi Samar. Tàu sân bay hộ tống St. Lo của Taffy 3 bị một máy bay Kamikaze đánh trúng và bị chìm sau đó.[3][6] Đây là cuộc tấn công đầu tiên của phi đội Kamikaze tức Thần phong do các phi công quyết tử Nhật tiến hành.

Thiệt hại

Hai tàu sân bay hộ tống, các tàu khu trục Hoel và Johnston cùng tàu khu trục hộ tống Samuel B. Roberts bị đánh chìm và bốn tàu chiến Mỹ khác bị hư hại. Tàu khu trục Heermann, cho dù tham gia một trận chiến hoàn toàn không cân sức, đã kết thúc trận chiến chỉ với tổn thất sáu thành viên thủy thủ đoàn thiệt mạng.

Hơn một ngàn thủy thủ và phi công bị giết trong trận đánh. Do thông tin liên lạc cắt đứt cùng các sai lầm khác, một số lớn những người sống sót thuộc Taffy 3 đã không được cứu vớt trong nhiều ngày, khiến đã có thêm những tổn thất không cần thiết sau khi trận chiến đã kết thúc.[3][6]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_chiến_vịnh_Leyte http://www.dva.gov.au/commem/news/leyte_gulf.htm http://www.battle-of-leyte-gulf.com/ http://www.bosamar.com/ http://www.historyanimated.com/LeyteGulf.html http://www.militaryhistoryonline.com/wwii/articles... http://www.militaryhistoryonline.com/wwii/articles... http://www.navweaps.com/index_oob/OOB_WWII_Pacific... http://www.navweaps.com/index_oob/OOB_WWII_Pacific... http://www.navweaps.com/index_oob/OOB_WWII_Pacific... http://www.navweaps.com/index_oob/OOB_WWII_Pacific...